Giới thiệu

Khoa Kỹ thuật – Công nghệ là khoa chuyên môn đào tạo đại học hệ kỹ sư ngành Công nghệ kỹ thuật Ô tô, Cơ điện tử, Điện – Điện tử, Tự động hóa, Kỹ thuật hệ thống Công nghiệp, Logistics and Internet of Things (IoT), Robot và Trí tuệ nhân tạo (AI). Các chương trình đào tạo xây dựng sát với thực tế sản xuất, công nghệ số được áp dụng trong các môn cơ sở ngành đến chuyên ngành. Khoa có 26 phòng thực hành, thí nghiệm, trong đó các phòng thực hành hiện đại được Nhà trường chú trọng đầu tư như Phòng thực hành Ô tô điện, Phòng Vi điều khiển, Phòng PLC, Phòng thiết kế số, Phòng thí nghiệm gia công số, Phòng công nghệ tạo mẫu nhanh, Phòng Logistics và Kết nối vạn vật, Phòng Robot và trí tuệ nhân tạo, … Cán bộ giảng dạy có trình độ cao (tổng số là 55 người, với tỉ lệ tiến sĩ chiếm hơn 45%, tính cả đội ngũ giảng viên (GV) doanh nhân, được đào tạo bài bản, nhiều năm kinh nghiệm, có nhiều công trình khoa học được công bố trong và ngoài nước. Sinh viên tốt nghiệp các ngành đào tạo của Khoa sẽ tự tin đáp ứng tốt các yêu cầu từ doanh nghiệp.

Tổng quan

Khoa Kỹ thuật – Công nghệ (viết tắt là KT-CN) được thành lập từ việc sáp nhập Khoa Điện – Điện tử và Khoa Cơ khí – Tự động của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành theo Quyết định số 447/QĐ-NTT ngày 21/09/2016 với tên gọi ban đầu là Khoa Cơ khí – Điện – Điện tử. Sau đó, với chủ trương cải tiến và xây dựng các chương trình đào tạo của Khoa theo hướng liên ngành, Nhà trường chính thức ban hành quyết định số 182/QĐ-NTT ngày 23/04/2018 đổi tên thành Khoa Cơ khí – Điện – Điện tử – Ô tô. Với định hướng phát triển về các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và quy mô đào tạo của Khoa trong giai đoạn tới Nhà trường chính thức ban hành quyết định số 1313/QĐ-NTT ngày 01/11/2021 Khoa đổi tên thành Khoa Kỹ thuật – Công nghệ (KT-CN).

Khoa KT-CN thực hiện nhiệm vụ đào tạo các ngành nghề trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cơ khí; công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông; quản lý công nghiệp; kỹ thuật cơ khí; cơ kỹ thuật trình độ đại học và sau đại học. Các chương trình đào đạo được thiết kế theo hướng ứng dụng, tích hợp tối đa các thành tựu khoa học và thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp trong nội dung giảng dạy. Đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ cao (tỉ lệ tiến sĩ chiếm hơn 45%), được đào tạo bài bản, có nhiều năm kinh nghiệm, đạt nhiều thành tích trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học. Các giảng viên có tinh thần cầu thị, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, luôn học hỏi để nâng cao chuyên môn và cải tiến chất lượng bài giảng. Đây là cơ sở để Khoa tăng cường áp dụng công nghệ số vào chương trình đào tạo cho các môn học cơ sở đến chuyên ngành.

 

Sơ đồ tổ chức của Khoa được thể hiện theo sơ đồ sau:

Tầm nhìn

          Đến năm 2035, Khoa KT-CN sẽ trở thành khoa đào tạo theo định hướng ứng dụng, đa ngành, liên ngành, đa bậc học đạt chuẩn khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực về Cơ khí, Điện và Điện tử. Khoa ưu tiên phát triển các chương trình để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nhu cầu trong và ngoài nước, có tính hội nhập quốc tế cao, và đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0.

Sứ mạng

Khoa KT-CN cam kết thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường của TP.HCM và Việt Nam thông qua các hoạt động đào tạo học tập trãi nghiệm, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, phục vụ cộng đồng dựa trên liên minh chiến lược gắn kết với các doanh nghiệp và viện nghiên cứu nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao có năng lực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hội nhập, và có sức cạnh tranh cao trên thị trường lao động trong và ngoài nước.

Mục tiêu

Trong một số năm đầu sau khi tốt nghiệp, SV có thể:

  • PEO1: Trở thành các kỹ sư lành nghề, chuyên gia trong các lĩnh vực bảo dưỡng và sửa chữa máy móc thiết bị, thiết kế các giải pháp ứng dụng và cải tiến kỹ thuật, tư vấn và quản trị trong các hoạt động liên quan đến ngành công nghệ kỹ thuật ô tô.
  • PEO2: Sử dụng tư duy phản biện và sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp hiệu quả, kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng lãnh đạo để làm việc trong môi trường đa ngành, đa lĩnh vực.
  • PEO3: Là các công dân tích cực có phẩm chất đạo đức, thái độ nghề nghiệp chuẩn mực, thực hiện trách nhiệm nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua việc đóng góp vào các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp ô tô và hoạt động khởi nghiệp, tiếp tục học tập suốt đời để phát triển bản thân thích ứng tốt với sự thay đổi của công nghệ, nhu cầu xã hội và xu hướng toàn cầu hoá.

Giá trị cốt lõi

  • Chất lượng: chiến lược giảng dạy hiện đại và phong phú ngữ cảnh thực tế, giúp sinh viên thấu hiểu việc áp dụng kiến thức vào thực tế góp phần định hướng và phát triển nghề nghiệp đúng hướng.
  • Kỹ năng nghề nghiệp: xây dựng cho sinh viên thói quen làm việc nhóm hiệu quả thông qua những bài học thực tế, thực hành lối tư duy phản biện trong việc phân tích vấn đề để tìm ra giải pháp và khả năng tư duy độc lập trong việc giải quyết vấn đề.
  • Sáng tạo: là biểu trưng của nghị lực thích ứng hoàn cảnh luôn thay đổi với mong muốn và cố gắng giải quyết vấn đề một cách tích cực. Là khả năng điều chỉnh sứ mạng của khoa phù hợp với sự phát triển của trường và bối cảnh kinh doanh hiện đại. Là sự phát triển những mối quan hệ xã hội trong việc kết nối giữa Nhà trường – Nhà nghiên cứu – Nhà doanh nghiệp trong việc đào tạo và nghiên cứu khoa học ứng dụng.
  • Tâm huyết nghề nghiệp: là tập thể đoàn kết một lòng vì một Khoa KT-CN phát triển và vươn cao trong sự nghiệp trồng người.
  • Tự tin: luôn muốn phấn đấu vươn lên, luôn khao khát cống hiến và học hỏi, luôn trau dồi bản thân để luôn nâng cao giá trị.
  • Trách nhiệm xã hội: đào tạo cho xã hội lực lượng những nhà tri thức có trách nhiệm và đạo đức với con người, nghề nghiệp và xã hội.

Triết lý giáo dục

THỰC HỌC, THỰC HÀNH, THỰC DANH, THỰC NGHIỆP

Khoa KTCN là một tập thể giảng viên – nhân viên tự tin với năng lực nghề nghiệp, sáng tạo trong giảng dạy, tâm huyết với sự nghiệp đào tạo thế hệ kỹ sư tài năng có trách nhiệm xã hội.

Hình thành và phát triển

  1. Khoa Kỹ thuật - Công nghệ (viết tắt là KT-CN) được thành lập từ việc sáp nhập Khoa Điện – Điện tử và Khoa Cơ khí – Tự động của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành theo Quyết định số 447/QĐ-NTT ngày 21/09/2016 với tên gọi ban đầu là Khoa Cơ khí – Điện – Điện tử. Sau đó, với chủ trương cải tiến và xây dựng các chương trình đào tạo của Khoa theo hướng liên ngành, theo quyết định số 182/QĐ-NTT ngày 23/04/2018 được đổi tên thành Khoa Cơ khí - Điện - Điện tử - Ô tô; đến nay Nhà trường chính thức ban hành quyết định số 1313/QĐ-NTT ngày 01/11/2021 Khoa đổi tên thành Khoa Kỹ thuật - Công nghệ.

Các thế mạnh của Khoa KT-CN

Môi trường học tập tiên tiến, hiện đại

Sinh viên học tập và nghiên cứu tại Khoa luôn được tạo điều kiện tốt nhất để trải nghiệm kiến thức. Các nội dung lý thuyết được thiết kế gắn liền với thực hành và vận dụng kiến thức vào các bài toán, hoàn cảnh thực tế theo phương pháp học tập chủ động (active learning). Ngoài các kiến thức chuyên môn, sinh viên sẽ được trang bị kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng tin học, ngoại ngữ… để đáp ứng tốt yêu cầu công việc của một kỹ sư chuyên nghiệp.

Bên cạnh những hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học…để tạo ra những sân chơi thu hút được sự tham gia của đông đảo sinh viên, Khoa KT-CN đã thành lập các câu lạc bộ (CLB) trực thuộc Khoa gồm: CLB Mô hình, CLB Học thuật, CLB QHDN, và Hội cựu sinh viên. Đặc biệt tại các CLB Mô hình và Học thuật, sinh viên không chỉ được thỏa sức thể hiện khả năng, sở thích, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thực tế liên quan tới ngành học…mà còn có cơ hội mở rộng các mối quan hệ, quen thêm những người bạn mới. Với việc tham gia các hoạt động nhóm hay CLB, sinh viên sẽ trưởng thành hơn về mặt giao tiếp xã hội thông qua tương tác với những người bạn mới, đây cũng là cách để SV xây dựng những mối quan hệ dài lâu, bền vững với những người bạn hợp sở thích. Chính từ những CLB này, sinh viên Khoa KT-CN được thỏa sức sáng tạo, nâng cao kiến thức và áp dụng những kiến thức đó vào thực tiễn góp phần hình thành tư duy và kỹ năng để trở thành những công dân thời đại mới năng động, sáng tạo, giàu đam mê và cống hiến.

Khoa thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu, hội thảo chuyên đề hướng nghiệp và việc làm, tạo kênh kết nối giữa sinh viên và doanh nghiệp nhằm giúp sinh viên nắm bắt thông tin về nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp ở địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ, cập nhật tiến bộ của khoa học kỹ thuật và trau dồi kỹ năng phỏng vấn, giao tiếp với doanh nghiệp và tìm hiểu về văn hóa, tác phong của kỹ sư tại môi trường doanh nghiệp. Thông qua diễn đàn này, các doanh  nghiệp cũng có kênh tuyển dụng hiệu quả và có thể đặt hàng cho các ứng viên tiềm năng trang bị kiến thức cần thiết theo yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Chương trình đào tạo có tính liên kết đa ngành

Với hệ thống các ngành đào tạo của Khoa có tính liên kết với nhau, người học có thể cập nhật kiến thức các ngành khác để nâng cao trình độ và phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Sinh viên có thể lựa chọn các chương trình đào tạo song bằng để nhận được hai bằng đại học với thời gian học tập tối ưu, linh hoạt, tăng cơ hội việc làm sau khi ra trường và tiết kiệm đáng kể thời gian cũng như chi phí đào tạo.

Hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên

Ngoài chương trình đào tạo tại trường, sinh viên được trải nghiệm với kỳ học tập và làm việc tại các doanh nghiệp. Đây là hình thức học tập kết hợp Lý thuyết (tại trường) và Thực hành (tại doanh nghiệp); giúp người học áp dụng cơ sở lý thuyết được học từ giảng đường vào công việc. Đồng thời thông qua thực tiễn, lý thuyết sẽ trở nên sáng tỏ, sinh động hơn. Chương trình này thực sự rút ngắn được khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, qua đó rút ngắn thời gian đào tạo tại doanh nghiệp sau khi tuyển dụng, người học sau khi tốt nghiệp có thể tự tin tham gia sản xuất ngay sau khi được tuyển dụng.

Thời gian học việc của sinh viên tùy thuộc vào yêu cầu công việc của mỗi doanh nghiệp. Có doanh nghiệp bố trí cho sinh viên học việc tập trung trong thời gian hai tháng/khóa, có doanh nghiệp chỉ yêu cầu sinh viên làm việc bán thời gian và nhiều hình thức khác. Tất cả sinh viên năm nhất, năm hai, năm ba đều có thể tham gia chương trình Học kỳ Doanh nghiệp của Khoa và được trả lương khi vẫn đang còn là sinh viên.

Kết thúc khóa “Học kỳ Doanh nghiệp”, sinh viên được cấp giấy chứng nhận của Công ty. Với chứng nhận này, sinh viên sẽ tạo được niềm tin cho các nhà tuyển dụng về kỹ năng làm việc và kỹ năng thích ứng tốt với môi trường doanh nghiệp. Sinh viên có thể làm việc được ngay sau khi ra trường mà không phải qua hai ba tháng thử việc.

Học kỳ doanh nghiệp

Khởi nghiệp khi đang là sinh viên không phải là lựa chọn của tất cả. Tuy nhiên, trường học lại là nơi lý tưởng để bắt đầu startup. Thời điểm khởi nghiệp tốt nhất khi là sinh viên. Nếu không may gặp thất bại, sinh viên vẫn còn nhiều cơ hội và thời gian để làm lại thay vì phải đối diện với nhiều mất mát cả về vật chất lẫn tinh thần. Khoa KT-CN  kết hợp với Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo Doanh nghiệp của Nhà trường tổ chức đào tạo và hỗ trợ khởi nghiệp cho SV ngay từ khi các em bắt đầu học tập tại trường.

Quan hệ Doanh nghiệp

Hiện Khoa có CLB Quan hệ Doanh nghiệp với mối liên hệ hơn 200 doanh nghiệp về Ô tô và lĩnh vực Cơ điện tử, Dệt may, giày da, phân phối điện… nhiều doanh nghiệp ký cam kết cho sinh viên thực hành thực tập và tuyển dụng ngay sau khi ra trường.

Khoa cũng đã xây dựng được một số xưởng Liên kết đào tạo thực hành cơ khí đầu tiên theo mô hình kết hợp giữa Nhà trường và Doanh nghiệp. Trong thời gian tới, mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng với mục tiêu đa dạng xưởng thực tập về lĩnh vực chuyên môn và bổ sung danh mục lựa chọn địa điểm thực hành cho sinh viên.