Chuyên ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo (AI)

          Đây là một chuyên ngành nằm trong ngành CNKT Cơ điện tử của Khoa kỹ thuật – công nghệ trường Đại học Nguyễn Tất Thành

          NTTU – Cùng với Logistics và IoT, lĩnh vực Robot và AI đang là một trong những từ khóa “hot” nhất trong quá trình tìm kiếm ngành nghề tương lai của các bạn học sinh THPT. Với mục tiêu đào tạo ra các kỹ sư Robot và AI chất lượng cao, năm 2021, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã đầu tư hệ thống máy Server, phòng máy tính thực hành cấu hình mạnh, mô hình cánh tay robot công nghiệp, robot tự hành, máy bay không người lái, hệ thống cảm biến 3D, thiết bị IoT, và rất nhiều trang thiết bị, phòng thực hành hiện đại khác. Bên cạnh hệ thống trang thiết bị, phòng thực hành hiện đại, chương trình đào tạo tiến tiến, lực lượng giảng viên chuyên môn cao và sự kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp sẽ là một lợi thế đáng kể để các bạn đặt niềm tin vào môi trường mới mẻ và đầy khát vọng này.

          Thời gian đào tạo: 4 năm

  1. Triển vọng ngành nghề:

          Hiện nay, nhân loại đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng 4.0 và chúng ta đang chứng kiến sự vươn mình mạnh mẽ của hầu hết các lĩnh vực dưới sự hỗ trợ của công nghệ số. Mặc dù từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước công nghệ robot đã có những bước chuyển mình đáng kể và đóng góp rất lớn vào sự phát triển chung của nhân loại, nhưng “trí thông minh” của robot vẫn là một rào cản đáng kể trong giai đoạn đó. Trong 5 năm trở lại đây, AI và công nghệ cảm biến hiện đại đã trở thành chiếc chìa khóa vạn năng cho vấn đề trên. Sự phát triển không ngừng của các thuật toán học máy và học sâu (machine learning & deep learning), sự ra đời của hệ điều hành robot (ROS) và sự hoàn thiện của các thiết bị cảm biến đã tạo ra một cơ hội rất lớn cho sự phát triển nền công nghiệp robot thế giới.

          Theo kết quả khảo sát từ tạp chí Fortune Business Insights, quy mô thị trường robot thông minh toàn cầu là 5,98 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến đạt 31,11 tỷ USD vào năm 2027. Tại hội thảo “Công nghệ Robotics – Mechatronics trong cách mạng công nghiệp 4.0” do Bộ Công thương và Bộ Khoa học – Công nghệ tổ chức mới đây, các chuyên gia Việt Nam cũng dự báo robot sẽ ngày càng trở nên quan trọng và không thể thiếu cho sự phát triển của con người tại nước ta. Điều đó được thể hiện rõ thông qua việc công nghiệp robot và tự động hóa là một trong sáu lĩnh vực ưu tiên của chính phủ Việt Nam trong giai đoạn mới. Do đó, nhu cầu lao động trong lĩnh vực này đang tăng rất nhanh và đang mang lại một mức thu nhập lý tưởng cho các kỹ sư robot và AI.

  1. Chương trình đào tạo

          Chương trình đào tạo Kỹ sư Công nghệ Kỹ thuật Robot và Trí tuệ nhân tạo tập trung vào việc ứng dụng các kỹ thuật điều khiển hiện đại, tiên tiến để thiết kế, chế tạo và vận hành robot và các hệ thống, thiết bị tự động sử dụng robot dưới sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo. Chương trình được thiết kế với bốn nhánh kiến thức trọng tâm: kỹ thuật robot, thị giác máy tính, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Các khối kiến thức này được kết hợp một cách linh hoạt và phù hợp để giúp người học lĩnh hội lượng tri thức đầy đủ trước khi thực hiện khóa luận tốt nghiệp. Đó là thời điểm người học tự mình thiết kế những mẫu robot yêu thích, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại, cũng như tự mình xây dựng bộ não thông minh cho robot trước khi chính thức trở thành các kỹ sư robot và AI thế hệ mới. Do đó, chương trình được thiết kế với 71% thời lượng cho khối kiến thức chuyên nghiệp (cơ sở ngành 27%, chuyên ngành 36%, thực tập và khóa luận tốt nghiệp 8%). Trong đó, 63% các học phần trên đều có phần thực hành trên các hệ thống máy tính, mô hình robot và các trang thiết bị hiện đại. Phần lớn các học phần được thiết kế theo phương pháp tích hợp. Phương pháp này giúp người học được áp dụng và trải nghiệm các kiến thức lý thuyết mình vừa lĩnh hội ngay tại lớp học.

          Các kỹ sư Robot và AI tương lai không chỉ cần vững vàng về kiến thức chuyên môn mà còn phải tự tin, bản lĩnh trong quá trình làm việc và phát triển bản thân. Do đó, chương trình này đã dành ra một thời lượng đáng kể lên đến 22% cho các học phần liên quan đến các kỹ năng mềm (giao tiếp, làm việc nhóm và khởi nghiệp) và ngoại ngữ.

          Bên cạnh các giờ học lý thuyết và thực hành trên lớp, sinh viên sẽ được tham gia các nhóm nghiên cứu dưới sự hướng dẫn tận tình của các giảng viên và sự hỗ trợ kinh phí rất lớn từ trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Sinh viên cũng được bố trí một phòng nghiên cứu riêng với đầy đủ trang thiết bị cần thiết để phát triển các ứng dụng liên quan đến robot, IoT, thị giác máy, tự động hóa, cơ điện tử, …. Đồng thời, rất nhiều “sân chơi kỹ thuât” thú vị sẽ được tổ chức thường niên để sinh viên giao lưu, học hỏi và nâng cao năng lực chuyên môn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Call Now