NTTU – Cuộc cách mạng sản xuất trên toàn cầu đang diễn ra với sự chuyển đổi mạnh mẽ của hệ thống máy móc và chuỗi cung ứng, cùng với làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng gia tăng đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo và sản xuất đặt ra những thách thức lớn về nguồn nhân lực. Các nghiên cứu gần đây của Chính phủ Việt Nam và các Tổ chức Quốc tế dự báo khoảng gần 50% các vị trí công việc trong ngành sản xuất và logistic sẽ thay đổi trong 3-5 năm tới. Những vị trí công việc đòi hỏi kỹ năng ở trình độ cao về số hóa như Logistic và Internet of Things, Robot và Trí tuệ nhân tạo, Chế tạo máy ứng dụng công nghệ số, Thiết bị đo đạc công nghệ cao đang gia tăng dưới ảnh hưởng của công nghệ.
Hiện tại ở Việt Nam, các doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu phải tuyển dụng đội ngũ expat cho các vị trí nghề nghiệp này với chi phí rất cao và có nhiều hạn chế trong thích nghi với văn hóa bản địa. Một số trường đại học lớn đã có sự quan tâm đáng kể đến việc nghiên cứu xây dựng các chương trình đào tạo ngành nghề mới phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Trong đó, Đại học Nguyễn Tất Thành với triết lý giáo dục “Thực học – Thực hành – Thực danh – Thực nghiệp”, đặt nhu cầu của doanh nghiệp và người học là những nền tảng và mục tiêu cơ bản trong việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo của Nhà trường.
Hội đồng Khoa học và Đào tạo Khoa Kỹ thuật – Công nghệ (NTTU) hội thảo về chương trình đào tạo mới
Ngày 8/11/2021, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Khoa Kỹ thuật – Công nghệ trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng chương trình đào tạo 02 chuyên ngành Logistic & Internet of Thing và Robot & Trí tuệ nhân tạo” tại cơ sở An Phú Đông của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, hội thảo còn có sự tham gia góp ý của các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo và sản xuất. Đây là hai trong các ngành nghề mới trong xu hướng ứng dụng công nghệ số ngày càng mạnh mẽ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và được dự báo có nhu cầu nhân lực rất cao trong một vài năm tới, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận thức được lợi ích và tính sống còn của việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh một cách toàn diện.
Hai chương trình đào tạo “ Logistic & Internet of Things” và “Robot & Trí tuệ nhân tạo” được Khoa Kỹ thuật – Công nghệ xây dựng với mục tiêu đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp và người học trong nước và khu vực. Việc xây dựng chương trình đào tạo có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về nhân sự và kỹ thuật từ nhiều doanh nghiệp có uy tín và quy mô hoạt động lớn tại Việt Nam, tham khảo các chương trình đào tạo tiên tiến của các nước phát triển trên thế giới, đảm bảo chuẩn đầu ra theo chuẩn mực quốc tế và có khả năng đáp ứng yêu cầu công việc ngay sau khi tốt nghiệp. Đây là kết quả của một quá trình nghiên cứu và và đầu tư bài bản của Nhà trường và các bên liên quan trong công tác dự báo nhu cầu nhân lực, xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn bị đội ngũ cán bộ giảng dạy và cơ sở vật chất. Khoa Kỹ thuật – Công nghệ dự kiến năm 2022 sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên với quy mô 100 sinh viên/ngành học đối với hai ngành nghề đào tạo mới này, ưu tiên đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp đối tác của Khoa và Nhà trường. Sinh viên trúng tuyển vào các ngành này sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ từ doanh nghiệp về cơ hội thực tập, việc làm và các chính sách đãi ngộ thu hút nhân lực, được giao lưu quốc tế với các trường đại học uy tín trên thế giới hợp tác trao đổi sinh viên với Đại học Nguyễn Tất Thành, cũng như những chính sách hỗ trợ người học của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Khoa Kỹ thuật – Công nghệ.
TS. Hoàng Thịnh Nhân
Khoa Kỹ thuật – Công nghệ
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành